ThS Trần Nguyên Hương cho rằng, quy trình xây dựng bài giảng trực tuyến gồm 5 bước cơ bản, đó là: Xác định mục tiêu và kiến thức cơ bản của bài học; Xây dựng kho tư liệu phục vụ cho bài học; Xây dựng kịch bản dạy học; Lựa chọn công cụ và số hóa kịch bản; Chạy thử chương trình, sửa chữa và đóng gói bài giảng.
Để thực hiện xây dựng bài giảng cần có sự tham gia của giáo viên và nhóm cán bộ hỗ trợ kỹ thuật (nhóm cán bộ hiểu biết về CNTT và các công cụ thiết kế bài giảng). Tuy nhiên, người giáo viên có kỹ năng CNTT tốt thì có thể đóng vai trò của cán bộ kỹ thuật.
Quy trình xây dựng bài giảng e-learning được ThS Trần Nguyên Hương chia sẻ như sau:
Xác định mục tiêu và kiến thức cơ bản của bài học
Người thực hiện là giáo viên và tổ bộ môn. Lưu ý, bám sát nội dung chương trình; nghiên cứu kỹ giáo trình và tài liệu tham khảo; xác định nội dung trọng tâm.
Trong dạy học hướng tập trung vào học sinh, mục tiêu phải chỉ rõ học xong bài, học sinh đạt được cái gì. Mục tiêu ở đây là mục tiêu học tập, chứ không phải là mục tiêu giảng dạy, tức là chỉ ra sản phẩm mà học sinh có được sau bài học.
Người thực hiện cần đọc kĩ sách giáo khoa, kết hợp với các tài liệu tham khảo để tìm hiểu nội dung của mỗi mục trong bài và cái đích cần đạt tới của mỗi mục. Trên cơ sở đó xác định đích cần đạt tới của cả bài về kiến thức, kĩ năng, thái độ. Đó chính là mục tiêu của bài.
Những nội dung đưa vào chương trình và sách giáo khoa, giáo trình được chọn lọc từ khối lượng tri thức đồ sộ của khoa học bộ môn, được sắp xếp một cách lôgíc, khoa học, đảm bảo tính sư phạm và thực tiễn cao.
Bởi vậy, cần bám sát vào chương trình dạy học và sách giáo khoa và giáo trình bộ môn. Căn cứ vào đó để lựa chọn kiến thức cơ bản là nhằm đảm bảo tính thống nhất của nội dung dạy học.
Mặt khác, các kiến thức trong sách giáo khoa, giáo trình đã được qui định để dạy học. Do đó, chọn kiến thức cơ bản là chọn kiến thức ở trong đó chứ không phải là ở tài liệu nào khác.