Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Phát biểu mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Năm học 2019-2020 là một năm học “đặc biệt”, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành Giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tuy nhiên, với sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, sinh viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2019 - 2020, trong đó có nhiều kết quả tích cực.
Dạy học an toàn trong dịch Covid-19, thực hiện đổi mới GDPT
Theo báo cáo của Bộ GDĐT, năm học 2019-2020, ngành giáo dục đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa đảm bảo an toàn sức khoẻ của học sinh, giáo viên trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020. Đến thời điểm này, sau 02 đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh.
Sự an toàn của học sinh, sinh viên và giáo viên được đảm bảo nhưng không vì thế các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ, “đứt gãy” như một số nước đã gặp phải. Trái lại, “trong nguy có cơ”, các phương pháp, hình thức giáo dục mới được các thầy cô, các nhà trường linh hoạt và sáng tạo sử dụng, nhất là trong dạy học trực tuyến. Điều này góp phần hoàn thành kế hoạch năm học, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Hội nghị
Mặc dù dịch bệnh phức tạp nhưng ngành giáo dục đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Công tác chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, lựa chọn và in ấn, phát hành sách giáo khoa… để triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 năm học 2020-2021 vẫn được tiến hành một cách linh hoạt, sáng tạo và hoàn thành hiệu quả. Tháng 9/2020, lứa học sinh lớp 1 đầu tiên đã bắt đầu học chương trình GDPT định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, với những tiết học có nhiều hoạt động khiến các em thích thú tự tìm tòi, khám phá tri thức, “học qua làm”.
“Năm học 2019-2020 trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã điều hành linh hoạt để đảm bảo hoàn thành chương trình, kế hoạch năm học, đồng thời rất nỗ lực để triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới. Điểm nổi bật nhất là chúng ta đã linh hoạt ứng dụng CNTT trong dạy-học, để vừa đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 an toàn và dù “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học”. Không chỉ thành phố lớn hay tỉnh miền xuôi thuận lợi, mà cả những địa phương thuộc khu vực miền núi, vùng cao như Yên Bái, Lào Cai… cũng áp dụng mạnh mẽ các giải pháp CNTT và đạt hiệu quả tích cực trong dạy- học”, Bí thư Tỉnh uỷ Yên Bái Đỗ Đức Duy nói.
Phó Chủ tịch UBNB tỉnh Vĩnh Long - Nguyễn Quyên Thanh cũng ghi nhận: năm học 2019-2020 ngành Giáo dục đã đạt được những kết quả đáng trân trọng. Ấn tượng nhất là việc phát huy ưu điểm của phương thức dạy học trực tuyến để tiếp tục tổ chức dạy học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khiến học sinh không thể tới trường. Từ bị động ứng phó với dịch Covid-19 ngành giáo dục đã chủ động biến nó thành cơ hội để đẩy mạng ứng dụng CNTT trong dạy học. Điều này có ý nghĩa lớn khi triển khai Chương trình GDPT 2018 hướng tới việc hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cho thế hệ học sinh của thời đại 4.0.
Lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan trung ương dự Hội nghị
Kết quả đạt được của năm học 2019-2020, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Quyên Thanh, là sự nỗ lực và sáng tạo của cả hệ thống giáo dục.
“Trong một năm vừa qua chúng ta đã làm được khá nhiều việc và còn rất nhiều việc tiếp tục phải làm. Nhưng tôi muốn khẳng định một điều rằng: giáo dục của chúng ta đang đi đúng hướng và phù hợp với xu thế của thời đại”, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nói.
Chúc mừng ngành Giáo dục đào tạo với những thành tựu trong giai đoạn vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ và toàn ngành Thông tin truyền thông cam kết đồng hành với Bộ GDĐT trong công tác chuyển đổi số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cũng ưu tiên số 1 việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục.
Giai đoạn Covid-19, Việt Nam có gần 80% học sinh sinh viên học trực tuyến, tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của các nước OECD là 67,15% và xếp thứ 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, kết quả này đã tạo niềm tin: “Nếu quyết tâm, Việt Nam có thể làm nên những điều đặc biệt và ngành Thông tin truyền thông sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành Giáo dục”.
‘Ngành Giáo dục đã có tiến bộ toàn diện, rõ ràng, vững chắc’
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận những kết quả rõ nét của ngành giáo dục đào tạo trong năm học 2019-2020, dù phải vượt qua rất nhiều khó khăn và thách thức. Ngoài những điểm đạt được trong giáo dục phổ thông như dạy học trực tuyến, tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT, Phó Thủ tướng còn đặc biệt nhắc đến một số kết quả của giáo dục đại học như tự chủ đại học.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Theo báo cáo của Bộ GDĐT, năm học vừa qua, tự chủ đại học tiếp tục được đẩy mạnh và tạo đột phá trong quản trị đại học, giúp nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong năm học này, lần đầu tiên Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp 1.000 thế giới; nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới. Số lượng báo khoa học của Việt Nam công bố trên các ấn phẩm quốc tế có uy tín tăng đáng kể với 12.475 bài, đứng thứ 49 thế giới.
Kết quả đạt được của tự chủ đại học trong năm học 2019-2020 là thành công bước đầu của quá trình đổi mới giáo dục đại học mà ngành giáo dục đã kiên trì, nỗ lực thực hiện để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương số 29 (năm 2013). Nhìn lại chặng đường 6 năm thực hiện Nghị quyết này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, tất cả các vấn đề từ đổi mới khung cơ cấu hệ thống cơ sở quốc dân, khung trình độ quốc gia, đến đổi mới CT, SGK, đổi mới quản trị đại học và hợp tác quốc tế… “đều có những bước tiến bộ”.
“Chúng ta đã vượt lên khó khăn, vượt lên chính mình và ngành Giáo dục đào tạo đã có tiến bộ toàn diện, nhiều mặt, rõ ràng và vững chắc… Sau 6 năm kiên trì thực hiện, chúng ta đã hoàn thành chặng đầu của đổi mới và sẽ tiếp tục đổi mới”, Phó Thủ tướng nói.
Các đồng chí nguyên lãnh đạo Bộ GDĐT dự Hội nghị
Phó Thủ tướng cho rằng, trong giáo dục đào tạo, đổi mới là quá trình liên tục bởi giáo dục phải đi trước một bước, phải hội nhập quốc tế. Nói giản dị như Bác Hồ thì: “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ; cái gì cũ không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý; cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm; cái gì mới, hay thì phải làm”.
Lấy ví dụ trong giáo dục về “cái cũ mà xấu thì phải bỏ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đó là việc học nhồi nhét, thụ động, không thực học thực nghiệp, không dám phản biện. Cái “cũ, không xấu nhưng phiền phức” như quản lý trường bằng quá nhiều sổ sách, giấy tờ khiến giáo viên áp lực, thì phải sửa. Thực tế vấn đề này đã được ngành Giáo dục khắc phục trong những năm qua.
Với quan điểm, cái gì tốt, phù hợp với xu thế thế giới thì nhất định không vì đặc thù của mình mà đi ngược lại, Phó Thủ tướng cho rằng, văn hóa Á Đông trọng lễ phép, trẻ em rất nghe lời người lớn, nhưng như thế không có nghĩa là các em không được phản biện, bày tỏ ý kiến của mình. Tư duy phản biện, CNTT là hai trong nhiều “cái mới, hay” mà Việt Nam cần thực hiện. Trong CT GDPT 2018 mà ngành giáo dục đang từng bước triển khai, việc rèn cho học sinh tính chủ động, tích cực, sáng tạo, tăng cường năng lực ngoại ngữ, tin học và các kỹ năng sống, làm việc trong điều kiện hội nhập quốc tế… cũng là mục tiêu mà sự đổi mới lần này hướng tới.
Kiên định đổi mới và tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giáo dục
Xác định đổi mới giáo là việc rất khó vì liên quan đến mọi người, mọi nhà; xã hội kỳ vọng giáo dục rất cao. Tuy nhiên, đổi mới là một quá trình, không thể đòi hỏi một năm mà thực hiện xong và thành công ngay. Chính vì thế, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, cần bình tĩnh trong nhìn nhận và kiên định, kiên trì thực hiện đổi mới.
Trước khi diễn ra Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã kêu gọi ủng hộ thầy và trò miền Trung. Hoạt động quyên góp cũng được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị
“Đổi mới chương trình, sách giáo khoa phải cuốn chiếu 5 năm mới xong. Trong lúc chưa hoàn thành, bao giờ cũng có điều này, điều khác. Năm nay có ý kiến về sách giáo khoa lớp 1, nhưng chúng ta cần bình tĩnh nhìn nhận, vì hồn cốt của đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này là: chương trình là pháp lệnh, sách giáo khoa chỉ có vai trò là tài liệu dạy học cụ thể hóa chương trình. Việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa để phá thế độc quyền và quy tụ nhiều trí tuệ tham gia viết sách, để có những bộ sách giáo khoa tốt hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm đầu tiên áp dụng chương trình mới, Bộ GDĐT cần nghiêm khắc nhìn vào những chỗ chưa tốt để chấn chỉnh; nhưng cái lớn, cái đúng phải tiếp tục ủng hộ, cổ vũ. "Trước mắt, giáo dục không làm ra tiền mà còn tiêu nhiều tiền, nhưng nếu không có giáo dục thì không tạo ra các điều kiện để làm ra tiền, để phát triển kinh tế xã hội". Do đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tiếp tục ưu tiên đầu tư hơn nữa cho giáo dục. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trường lớp thì việc chăm lo đời sống cho giáo viên là hết sức quan trọng, cần đặc biệt chú ý. “Giáo dục phát triển thì đất nước mới có tương lai”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Trân trọng tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự hội nghị, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch để thực hiện có hiệu quả trong năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo. Ngành Giáo dục quyết tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.