Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, ngoài nỗi lo cơm áo, gạo tiền… các bậc cha mẹ còn có nỗi lo lớn là cho con đi học như thế nào? Thực tế cho thấy ở các thành phố, chủ yếu học sinh bậc tiểu học được cha mẹ gửi bán trú tại trường. Xung quanh việc học bán trú của trẻ cũng có nhiều điều cha mẹ phải quan tâm.
Cho trẻ niềm vui tới trường
Từ những câu chuyện thực tế…Đối với các bậc phụ huynh có con bắt đầu vào lớp 1, việc cho trẻ làm quen với môi trường sống có lẽ là điều khó nhất. Chị Yến ở Thái Hà (Hà Nội) có con gái học lớp 1 cho biết, mình luôn căng thẳng mỗi khi đưa con tới trường vì bé Nga rất khảnh ăn, hồi học mẫu giáo chị luôn phải nhờ các cô để ý riêng đến bé. Nhưng bây giờ lớp đông hơn, cô giáo làm sao mà quan tâm tới mỗi mình bé (xuất ăn ở trường tiểu học cũng khác với mẫu giáo mà bé lại luôn ăn chậm, không hết suất). Hồi mới đi học, về nhà ngày nào bé cũng kể mình bị phạt không được ngủ trưa cùng các bạn, phải ăn hết mới được đi ngủ. Ngồi cạnh bé là một bạn trai to béo, ăn khoẻ, học được một thời gian, bé Nga biết nhờ bạn “ăn hộ” nên không bị phạt nữa. Nghe con kể chị Yến rất lo không biết con mình có nạp đủ dinh dưỡng không? Thế nhưng vợ chồng chị đi làm suốt,không có thời gian đưa đón con ngày 4 lần nên giải pháp tốt nhất vẫn là gửi con bán trú tại trường.Chị Thành ở quận 1 TP. Hồ Chí Minh, cũng có con học lớp 1 lại có nỗi lo khác, vì con chị nhút nhát khó hoà đồng với các bạn. Mỗi khi tới trường cháu khóc từ cổng. Qua cô chủ nhiệm, chị biết con mình không tham gia các trò chơi, hoạt động tập thể, cô hỏi gì cũng nói lí nhí, giờ ngủ thì thao thức… Chính vì thế kết quả học tập, rèn luyện của cháu chưa cao. Cùng cảnh với hai phụ huynh trên, nhà anh Thanh ở Khương Trung (Hà Nội), có “cậu ấm” (bởi anh chị lấy nhau mãi mới sinh được cháu) ở nhà rất được nuông chiều. Mọi việc từ ăn, ngủ, đi vệ sinh… cháu đều được bố mẹ hay ông bà giúp đỡ. Vì thế, đến lớp bán trú cháu không thể tự lập bất cứ việc gì. Khổ nhất là khi đi vệ sinh, cu cậu sợ toa let ở trường bẩn nên thường “nhịn” và hậu quả là về tới nhà cuống cuồng chạy vào nhà vệ sinh. “Nghiêm trọng” hơn đã hai lần cháu ị đùn ở trường, cô giáo phải lấy quần của con cô (là con gái) mặc, cho nên cu cậu bị các bạn trêu đùa và sợ đi học khiến anh Thanh nhăn nhó: “Biết đến khi nào con tôi mới được như các bạn?”Vài trường hợp nêu trên chỉ là những sự cố điển hình của các học sinh lớp 1. Có thể kể ra hàng chục tình huống khác xảy ra như “chuyện thường ngày ở huyện”,mà bất cứ ai có con mới học bán trú năm đầu tiên cũng “trải nghiệm”. Đó là trẻ bị bắt nạt ở trường, trẻ tè dầm trong lớp vì không dám xin cô cho đi vệ sinh, trẻ để quên đồ dùng học tập ở nhà tới lớp sợ cô phạt khóc sưng mắt… Để giải quyết vấn đề “nan giải” trên, các bậc cha mẹ cần phải làm gì?…
đến lời khuyên của các nhà giáo dục
Ông Ragan - Nhà giáo dục Mỹ đã nói, người thầy đầu tiên của trẻ là người mẹ nên rất quan trọng đối với trẻ. Họ thực hiện thiên chức làm mẹ, làm thầy -một trọng trách khó khăn nhưng cao cả. Vậy, các bà mẹ phải dạy con như thế nào, khi cho con làm quen với môi trường sống mới ở tiểu học?
Cha mẹ cần hỏi han, trò chuyện với con khi trẻ đi học về
Theo cô Trần Mai Hương, Trường Mầm non tư thục Hương Sen, Từ Liêm, cha mẹ cần lắng nghe và chia sẻ với con cái mọi điều khi chúng ở trường về, khéo léo hỏi con những khúc mắc, những khó khăn mà trẻ gặp phải để tìm cách tháo gỡ. Mỗi phụ huynh cần tích cực chủ động chia sẻ trách nhiệm nuôi dưỡng và giáo dục con em mình với nhà trường và có sự trao đổi thông tin thường xuyên giữa cha mẹ với các thầy cô, để xử lý kịp thời các vấn đề liên quan đến chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ngay trong lớp học. Do trẻ chưa quen với môi trường mới, khi đưa con đi học cha mẹ có thể đưa con xuống nhà ăn (nếu trường có), xuống nhà vệ sinh công cộng ở trường… hướng dẫn con cần làm những gì và gặp sự cố biết cách xử lí ra sao. Ví dụ: không được nhịn đi vệ sinh vì như vậy có hại cho sức khoẻ, khi muốn đi cần mạnh dạn xin cô giáo… Đồng thời, với trẻ lớp 1 có thể chuẩn bị thêm một bộ quần áo để trong cặp, phòng khi có sự cố thì cô giáo thay cho trẻ. Để đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, nếu trẻ lười ăn cần phải cho con ăn sáng đủ chất ở nhà, khuyên trẻ nên ăn hết suất ở lớp và sẵn sàng có phần thưởng nếu biết con ăn đã có tiến bộ…Cô Minh Thu, một giáo viên tiểu học Hà Nội đã có nhiều năm kinh nghiệm dạy và quản lớp bán trú cho biết, mặc dù được học mẫu giáo và cũng đã quen ở tại trường buổi trưa, nhưng ở cấp tiểu học trẻ phải có tính tự lập cao hơn trong mọi việc như tự cất sách vở, tự lo đi vệ sinh, tự xúc ăn và cất bát ăn, tự lo lấy chăn, gối của mình khi đi ngủ… Những đứa trẻ khoẻ mạnh, tự tin thường dễ hoà đồng với các bạn và tiếp thu bài vở cùng các hoạt động thể chất nhanh hơn và ngược lại. Do đó, nguyên nhân dẫn tới các trường hợp trên của trẻ, ngoài việc trẻ thiếu tự tin, còn do trẻ có vấn đề về sức khỏe. Một đứa trẻ yếu ớt về thể chất và tinh thần sẽ rất ngại tiếp xúc, va chạm và không thích hoạt động. Vì thế, cha mẹ phải hết sức quan tâm và có sự chăm sóc đúng cách với con, thìtrẻ mới có thể hoà nhập và phát triển tốt khi học bán trú.Nếu thấy con nhút nhát, thiếu tự tin, chưa thể tự lập…cha mẹ không nên trách mắng, và cần giúp trẻ lấy lại sự tự tin ở bản thân bằng cách khi trẻ ở nhà giao cho trẻ một số nhiệm vụ (hợp với tuổi) như giúp mẹ dọn dẹp bàn học, quét nhà, dỗ em, khuyến khích trẻ tham gia chơi với trẻ hàng xóm…, dạy con tự đi vệ sinh, biết cách chuẩn bị cặp sách trước khi đi học… Trẻ thực hiện tốt thì cha mẹ nên khen ngợi và nhấn mạnh những tiến bộ của con. Trẻ mặc cảm, nhút nhát cũng thường không biết cách tự bảo vệ mình. Nhất là với những đứa trẻ có sức khỏe yếu, thấp bé, nhẹ cân hoặc béo phì nhưng chậm chạp... Ở lớp bán trú phải đối mặt với những lời trêu chọc, các em thường phản ứng bằng cách bẽn lẽn cười trừ hay nổi khùng lên. Cả hai trường hợp này sẽ khiến những kẻ khiêu khích càng lấn tới và trẻ có nguy cơ trở thành nạn nhân của trò đùa. Cha mẹ hãy dạy con biết cách đáp lại những cử chỉ khiêu khích, những câu nói chỉ trích… Song song với đó là giúp trẻ rèn luyện thể dục thể thao và khi trẻ khỏe khoắn, chúng sẽ cảm thấy mình mạnh mẽ hơn và biết cách tự thể hiện để tăng giá trị của mình nhất là trước các bạn. Cha mẹ hãy luôn động viên trẻ, để trẻ hiểu đi học bán trú không có gì đáng sợ, con sẽ học nhiều thứ hay và có thể đạt được mọi điều ở trường giống như các bạn nếu cố gắng.