Tại sao trẻ cư xử hung hăng?
Sự hung hăng không có nghĩa đứa trẻ đó xấu xa hoặc có một cuộc sống tệ hại sau này. Những hành vi này xuất hiện khi trẻ tức giận hoặc gặp phải những vấn đề về phân chia, nhường nhịn bạn bè hoặc anh chị em. Trẻ có thể khó chịu về điều gì đó, chẳng hạn bị mất đồ chơi hoặc bị giật tóc, sau đó bày tỏ cảm xúc hoặc phản kháng bằng những hành vi hung hăng. Lý do đơn giản là trẻ chưa có đủ nhận thức để chọn lọc hành vi phản ứng phù hợp.
Thạc sĩ Ari Brown, tác giả cuốn sách Baby 411, cho rằng cha mẹ cần đặt mình vào vị trí của trẻ. Bởi lẽ với vốn ngôn từ không đủ, trẻ sẽ không biết làm thế nào để diễn đạt cảm xúc ngoài việc thể hiện thông qua hành vi hung hăng.
Giải pháp tích cực để hạn chế hành vi hung hăng của trẻ
Tiến sĩ Karen Debord, chuyên gia về phát triển trẻ em tại Đại học bang Bắc Corlina, cho biết cách giải quyết chung khi trẻ cư xử hung hăng là nghiêm khắc và kiên định, từ đó trẻ sẽ nhìn thái độ của bạn để bình tĩnh lại.
An ủi nạn nhân: Điều đầu tiên người lớn nên làm là an ủi đứa trẻ nạn nhân của hành vi hung hăng. Ngoài giúp bạn kiểm soát tình hình, chắc chắn rằng đứa trẻ không bị thương hoặc gặp điều gì nguy hiểm, việc này sẽ thu hút sự chú ý của đứa trẻ nhà bạn, giúp bạn dễ nói chuyện hơn.
Phản hồi ngay lập tức: Khi thấy trẻ hung hăng, bạn cần phản hồi ngay lúc đó. Nếu sự việc qua đi hoặc đến tối bạn mới nói, trẻ có thể quên những gì đã làm hoặc nghĩ việc mình làm không sai. Việc phản hồi ngay cũng giúp bạn thể hiện thái độ không đồng tình với hành vi của trẻ lúc đó.
Không để trẻ làm theo ý mình: Giải quyết hành vi hung hăng không có nghĩa rằng bạn đáp ứng mọi yêu cầu để trẻ dừng lại. Việc bạn cần làm là bế trẻ ra chỗ khác để bình tĩnh, sau đó nói chuyện hoặc cảnh cáo. Nếu bạn tỏ thái độ nhượng bộ "Con ngoan đi rồi mẹ mua đồ chơi", trẻ sẽ hành động có mục đích vì hiểu rằng cứ khi nào hung hăng thì sẽ có đồ chơi mới.
Thái độ trung lập: Với trẻ em, để phân xử một sự việc sao cho công bằng, bạn nên có thái độ trung lập nhất có thể, nếu không trẻ sẽ nói bạn "về một phe" với bên còn lại. Để mở đầu cuộc hội thoại với trẻ, bạn nên có những câu như "Mẹ biết không dễ dàng gì khi nhường món đồ chơi yêu thích của mình cho người khác mượn". Những câu này giúp xoa dịu và làm trẻ bình tĩnh lại một chút vì chúng cảm thấy mình đang được lắng nghe.
Không "ăn miếng trả miếng": Bạn không bao giờ nên dạy trẻ bằng cách "Mẹ sẽ cắn con để con biết cảm giác của bạn bè khi bị con cắn". Việc này chỉ khiến trẻ thêm thù hằn vì phải chịu đau, đồng thời khiến trẻ cảm thấy mình bị chính bố mẹ bắt nạt vì không thể chống cự với người lớn.
Hướng dẫn giải pháp thay thế: Việc bạn cần làm sau khi khuyên nhủ chính là đưa ra giải pháp. Hãy hướng dẫn trẻ mở rộng kỹ năng diễn đạt, cách giải tỏa lành mạnh để đối phó với cảm xúc tiêu cực. Chẳng hạn nếu trẻ tranh giành gấu bông, đồ chơi với bạn, bạn hãy gợi ý để cả hai đứa trẻ tham gia việc tự làm đồ chơi và gấu bông mới. Khi trẻ làm tốt, bạn đừng quên dành những lời khen để ghi nhận sự cố gắng của chúng.
Tăng cường giám sát: Trẻ sẽ không từ bỏ hoàn toàn các hành vi hung hăng chỉ sau 1-2 lần nói chuyện với bạn. Do đó, bạn nên tăng cường giám sát và để ý bởi trẻ cũng có sự cảnh giác với bạn hơn. Trường hợp xấu, những trẻ ranh mãnh còn có thể tạo ra cách "lách luật", vẫn thực hiện hành vi xấu nhưng không nhận lỗi. Việc giám sát của bạn cần được duy trì đến tận khi bạn chắc rằng trẻ đã thật sự tiếp thu và thay đổi.
Khi nào bạn cần lo lắng?
Khi trẻ lớn dần hơn và sở hữu nhiều công cụ, cử chỉ và trình độ ngôn ngữ được cải thiện, việc diễn đạt cảm xúc tiêu cực sẽ dễ dàng hơn và không cần sử dụng đến những hành vi hung hăng nữa. Tuy nhiên, nếu việc này không biến mất khi trẻ lớn, bạn cần sự can thiệp của các chuyên gia tâm lý.
Thanh Hằng (Theo Parents)