Quấy khóc khác thường, sốt cao không hạ và giật mình là triệu chứng rất
sớm báo hiệu nguy cơ bệnh tay chân miệng có thể diễn biến nặng.
Từ đầu năm, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận và điều trị 100 ca tay chân miệng.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh
viện Nhi Trung ương, bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, tuy nhiên
thời điểm hiện nay là điều kiện thuận lợi cho virus gây bệnh phát
triển, thậm chí bùng phát thành dịch lớn.
Trẻ em thường có diễn biến nhẹ nhưng bệnh cũng có thể gặp biến chứng
nguy hiểm và đặc biệt là diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu
không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nặng
như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp thậm chí dẫn
đến tử vong.
|
Một bệnh nhi mắc tay chân miệng
điều trị tại khoa Truyền nhiễm đang được ThS Hải thăm khám. Ảnh: K.C. |
Các triệu chứng của bệnh
Các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng bao gồm: sốt (sốt nhẹ hoặc sốt
cao) và tổn thương ở da (rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như
họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…). Tuy
nhiên, nhiều khi cha mẹ phải rất tinh ý mới phát hiện kịp thời.
Chị Hà, mẹ bé Nguyễn Thu Linh (14 tháng, ở Hải Dương) cho biết trước
đây vài ngày, cháu sốt cao 39-40 độ liên tục, không đáp ứng với thuốc hạ
sốt, miệng xuất hiện vài nốt nhỏ li ti. Gia đình đưa bé đi khám tại
tuyến cơ sở thì được chẩn đoán viêm họng cấp và cho thuốc uống. Tuy
nhiên, sau khi thấy tình trạng của con vẫn không thuyên giảm, gia đình
vội đưa bé lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, cháu Linh được thăm
khám, làm các xét nghiệm và được chẩn đoán mắc tay chân miệng.
Hay trường hợp cháu Đỗ Thùy Minh (22 tháng tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội)
cũng phải nhập viện điều trị tay chân miệng do cháu đột nhiên sốt cao
39-40 độ, quấy khóc liên tục. “Sau khi vào viện một ngày, cháu mới nổi
các nốt mụn bé ở cổ họng, khe bẹn, nếu không để ý kĩ, rất khó nhìn
thấy”, cha bệnh nhi Minh cho hay.
Dấu hiệu sớm cảnh báo diễn biến nặng
- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều,
thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại
dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường
giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy.
Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.
- Sốt cao không hạ: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48
giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamol. Các quá trình đáp
ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh.
Lúc này, cần dùng một loại thuốc hạ sốt đặc biệt hơn đó là các chế phẩm
có Ibuprofen.
- Giật mình: Đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần
kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan
sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không.
Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng nêu trên, cần đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời.
“Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường
tiêu hóa thường gặp ở trẻ nhỏ và rất dễ lây cho người khác, dễ bùng phát
thành dịch. Tại khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng
người nhà vào thăm bệnh nhân rất đông nhưng rất ít người rửa tay trước
khi ra khỏi phòng bệnh. Chính họ lại có thể trở thành nguyên nhân khiến
bệnh từ bệnh viện ra cộng đồng", bác sĩ Hải khuyến cáo.