Ở Đức, lễ khai giảng chỉ được tổ chức một lần duy nhất khi học
sinh vào lớp 1, lịch khai giảng ở các trường cũng không thống nhất nhưng
thường dao động từ đầu tháng 8 đến cuối tháng 9. Trước ngày khai giảng,
bố mẹ sẽ chuẩn bị cho các em một cái phễu trông giống như cái nón,
trong đó đựng sôcôla, kẹo, bánh, đồ chơi, hoa quả... để mang đến trường.
Ở Nga, khai giảng diễn ra vào tháng 9, họ tổ chức rất long
trọng. Trong buổi lễ này, giáo viên tặng cho học sinh các quả bóng bay,
còn học sinh tặng cho giáo viên những bó hoa tươi thắm.
Ở Nhật Bản, lễ khai giảng được tổ chức đơn giản, thông thường
do trường quyết định, thường vào tháng 4. Cách tổ chức không nặng về
phần nghi lễ mà cũng không nghiêng về phần hội, tức vào ngày khai giảng,
học sinh đến gặp gỡ các bạn, sau đó giáo viên đưa học sinh về lớp và
căn dặn các em nội quy.
Ở Trung Quốc, ngày khai giảng thường tổ chức vào mùng 1.9, học
sinh sẽ mặc đồng phục đến trường. Hiệu trưởng nói lời khai giảng, sau đó
các thầy cô tặng cho học sinh một cuốn từ điển – tượng trưng cho việc
trao cho các em nguồn tri thức, cũng có khi tặng cho các em những bộ
sách giáo khoa. Sau đó, các em cùng thầy cô về nhận lớp.
Còn ngày khai giảng của Việt Nam là 5.9, căn cứ vào dấu mốc ngày khai
giảng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tổ chức vào ngày
5.9.1945, đúng 3 ngày sau khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập ở Quảng
trường Ba Đình.
Cũng trong ngày này, Bác Hồ lần đầu tiên chính thức gửi thư chúc mừng
các em học sinh nhân ngày khai trường với những lời lẽ rất thắm thiết:
“Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có
bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay
không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.