Khung cảnh Lễ hội Halloween tại một trường THPT ở thành phố Hòa Bình (Hòa Bình). Ảnh: QĐ
Bắt
nguồn ở nhiều nước Tây Âu và Bắc Mỹ, Halloween được biết đến với ý
nghĩa là một lễ hội truyền thống thường niên với sự tham gia của đông
đảo dân chúng. Theo đó, vào ngày cuối cùng của tháng 10 hàng năm, lễ
hội Halloween sẽ được tổ chức bắt đầu vào buổi chiều tối cho tới 12 giờ
đêm. Người dân tham gia lễ sẽ trang trí nhà cửa sao cho rùng rợn. Trong
dịp này, khi ra đường, mọi người đều hóa trang thành những nhân vật
đáng sợ hoặc bất kỳ nhân vật nào họ thích, sau đó tới từng nhà để gõ cửa
nhận kẹo và chúc tụng nhau. Hiện nay, lễ hội Halloween đã trở nên khá
phổ biến tại Việt Nam, với sự hưởng ứng của giới trẻ, nhất là các bạn
học sinh, sinh viên tại các thành phố lớn. So với các năm trước, lễ hội
Halloween năm nay được tổ chức ở khá nhiều địa điểm như các khu vui chơi
giải trí, nhà văn hóa, trường học… Và không khó để thấy trên các trang
mạng xã hội hình ảnh các bạn nam nữ thanh niên, học sinh, sinh viên hào
hứng hóa trang thành những nhân vật trong phim kinh dị. Thậm chí, nhiều
bạn đã khiến cho người nhà một phen hoảng hồn khi trở về nhà trong bộ
trang phục Halloween!
Tìm
hiểu được biết, để đáp ứng nhu cầu hóa trang của các thượng đế, tại
nhiều nơi, những cửa hàng kinh doanh trang phục và phụ kiện phục vụ lễ
hội Halloween cũng mọc lên như nấm sau mưa. Song, đáng buồn là vì chạy
theo lợi nhuận với phương châm “gây ấn tượng mạnh” cho khách hàng, các
cửa hàng này đã không ngần ngại đưa ra những lời quảng cáo khá “kinh dị”
cho sản phẩm của mình: “Dịch vụ hóa trang, vẽ mặt nạ hóa thân thành các
nhân vật ma quỷ”; “Cơ hội nhảy múa tưng bừng trong đêm Halloween hóa
trang thành hồn ma xác sống lang thang khắp phố”; “Hãy đến với chúng tôi
và trở thành con ma đáng sợ nhất"... Thực tế thì tại những cửa hàng
này, khách hàng có thể tìm thấy cho mình mọi thứ phụ kiện trang điểm để
trở nên “kinh khủng”, “ma quái”, “đáng sợ” nhất; để trở thành những hình
ảnh mà ngay cả khi gặp ác mộng thì mọi người cũng không thể bắt gặp. Cô
Nguyễn Thị Gấm ở phố Lê Trọng Tấn (Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thực sự sốc
khi nhìn thấy con gái mình trong trang phục Halloween. Thực tình, tôi
nghĩ cháu chỉ hóa trang nhẹ nhàng, vui vẻ chứ không nghĩ con gái và nhóm
bạn lại tự biến bản thân thành những hình thù ma quái đáng sợ như vậy”.
Theo
nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, tuy là sự du nhập từ phương Tây nhưng
hiện nay lễ hội Halloween tại nhiều nơi ở nước ta đang dần có sự “biến
tướng” so với ý nghĩa nguyên gốc. Từ những cách hóa trang gần gũi như
đầu bí ngô, phù thủy, ma áo trắng… thì nay đã dần biến tướng hóa trang
theo hướng ngày càng khiếp đảm hơn, gớm ghiếc dựa trên sự kế thừa những
hình ảnh trong các bộ phim kinh dị. Điều này có thể tạo cho người tham
gia những cảm giác mạnh khi thể hiện cái “tôi” của mình nhưng lại khá xa
lạ, phản cảm với văn hóa truyền thống cũng như suy nghĩ của các bậc phụ
huynh. Minh chứng rõ nét nhất đó là sau mỗi mùa Lễ hội Halloween bao
giờ cũng có nhiều ý kiến bức xúc của người dân trước những hình ảnh vui
Halloween phản cảm, gây “sốc”!
Thực
tế cho thấy, trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay,
giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc là một xu thế tất yếu. Đó
vừa cơ hội để làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của người
dân trong nước, vừa là điều kiện để chúng ta tiếp thu những tinh hoa
văn hóa từ bên ngoài Tuy vậy, việc giao lưu văn hóa không có nghĩa là du
nhập văn hóa ngoại lai một cách tùy tiện, thiếu chọn lọc. Không ít
người đã đặt câu hỏi: “Có điều gì hay và đẹp khi các bạn nam thanh nữ
tú sôi nổi hóa trang thành ma quỷ, xác ướp ghê rợn rồi lũ lượt kéo nhau
diễu hành trên đường phố hay trong các khu vui chơi cộng cộng?”
Hiện
nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế và giao lưu văn hóa quốc tế ngày
càng sâu rộng, nếu chúng ta không có bản lĩnh vững vàng, không có hướng
phát triển văn hóa đúng đắn thì việc đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc
luôn là một nguy cơ hiện hữu. Và văn hóa khi đó, có chăng chỉ là một thứ
văn hóa hỗn tạp, ngoại lai, vay mượn.
Mất
văn hóa là mất tất cả. Trên thế giới, đã có không ít dân tộc phải trả
giá đắt khi đánh mất bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Do vậy, dư luận
mong muốn các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý, kiểm
soát, chấn chỉnh, định hướng các hoạt động văn hóa, lễ hội,
trong đó có Lễ hội Halloween để lễ hội này thực sự là một hoạt động
văn hóa, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc và tâm lý lứa tuổi của giới
trẻ hiện nay./.
Tạ Quang Đạo