Tập huấn đủ điều kiện để giáo viên tham gia giảng dạy
Chương trình SGK lớp 1 cấp Tiểu học mới đang được triển khai từ đầu năm học 2020 - 2021 đang gây chú ý của dư luận.
Chia sẻ về việc triển khai chương trình SGK lớp 1 mới từ năm học 2020 - 2021, bà Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa, cho biết: Bắt đầu từ tháng 11/2019 đến tháng 7/2020, các đơn vị như Phòng GD&ĐT thành phố cùng với các nhà trường tham gia 7 cuộc tập huấn do Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT Thanh Hóa tổ chức.
Các đối tượng tham gia tập huấn là cán bộ quản lý, chuyên viên các Phòng GD&ĐT, cốt cán các môn học và giáo viên dạy trực tiếp lớp 1 ở tất cả các môn bằng hai hình thức tập huấn là trực tiếp và trực tuyến. Nội dung tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể 2018; kế hoạch giáo dục các môn học; giới thiệu SGK và thiết kế bài dạy.
“Với nội dung chương trình của các bộ sách được Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT tổ chức như thế thì đủ điều kiện để giáo viên tham gia giảng dạy. Về phía Phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa tham gia đầy đủ các cuộc tập huấn. Sau các cuộc tập huấn về triển khai, yêu cầu hiệu trưởng, giáo viên cốt cán triển khai đồng loạt trong giáo viên.
Riêng Phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa còn tổ chức tập huấn bằng 4 tiết dạy cho 2 bộ sách Cánh Diều và Kết nối tri thức với cuôc sống. Đối tượng tham gia là Phó hiệu trưởng và giáo viên lớp 1. Qua đó, hình thành cho giáo viên các phương pháp, cách thức để tổ chức một tiết dạy học môn Toán, môn Tiếng Việt. Sau đó, trao đổi, góp ý về những thắc mắc, khó khăn từ các nhà trường”, bà Hà cho biết.
Cũng theo bà Hà, Phòng GD&ĐT yêu cầu các nhà trường trong quá trình tổ chức, thực hiện giảng dạy các bộ sách, giáo viên ghi chép những thuận lợi và khó khăn, những đề xuất. Kết thúc học kỳ 1, năm học 2020 - 2021, Phòng GD&ĐT thành phố sẽ tổ chức sơ kết để đánh giá mặt thuận lợi, tồn tại, hạn chế, cũng như đề xuất giải pháp...
“Phòng cũng tổ chức nắm bắt tình hình chung từ các nhà trường, cơ bản đều thực hiên thuận lợi, chưa có gì khó khăn, vướng mắc. Ở góc độ nào khó khăn mà nhà trường giải quyết được thì trường chủ động giải quyết”, bà Hà khẳng định.
Cô Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú, phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa cho biết: Trước khi triển khai chọn SGK, trong thời gian nghỉ hè, Phòng GD&ĐT đã phát cho nhà trường các bộ sách để đưa cho giáo viên đọc kỹ. Sau đó, từng tổ, nhóm họp lại thảo luận theo hướng dẫn của Phòng GD&ĐT và họp Hội đồng giáo dục nhà trường để lựa chọn.
Cũng theo cô Mai, tại Trường Tiểu học Trần Phú, sau khi họp, phân tích, đã tiến hành bỏ phiếu lựa chọn bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Sau khi các nhà trường đã lựa chọn được bộ SGK, Sở GD&ĐT tiếp tục tổ cho các nhóm tác giả đứng ra tập huấn cho các nhà trường.
“Trong quá trình thực hiện, nhà trường có sinh hoạt chuyên môn. Theo ý kiến của nhiều giáo viên, tuy có nặng hơn chương trình cũ, nhưng nhìn chung về chất lượng, nội dung đảm bảo. Nhà trường cũng chưa nhận được phản hồi gì từ phía các bậc phụ huynh”.
Do Covid-19 nên ít có thời gian nghiên cứu sâu
Cô Trịnh Thanh Nhàn, giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú chia sẻ: Ngay từ trong hè, nhà trường đã triển khai đến giáo viên toàn trường, kỹ hơn là giáo viên lớp 1 về ưu điểm, nhược điểm của các bộ SGK.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sát năm học, các giáo viên mới được tiếp cận chương trình SGK mới, ít có thời gian nghiên cứu sâu hơn.
Theo cô Nhàn, ưu điểm của SGK Kết nối tri thức với cuộc sống là chất lượng sách đẹp, hình ảnh nhiều, sống động, thực tế, vừa gần gũi với học sinh vừa mang tính hiện đại so với chương trình cũ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc nhiều hình ảnh lại làm cho học sinh rối, giảm sự chú ý đến kênh chữ hay nội dung bài học mà giáo viên cần truyền đạt đến học sinh. Bên cạnh đó, sách còn sử dụng một số từ địa phương…
“Môn Toán cần có hình ảnh để minh họa, đối với lớp 1, các con cũng trực quan nhiều nhưng cần có sự chọn lọc. Lượng kiến thức môn Toán cũng tương đồng với chương trình cũ, tuy nhiên việc sử dụng hình ảnh nhiều gây rối cho học sinh”, cô Nhàn chia sẻ.
Từ thực tế giảng dạy, cô Nhàn kiến nghị, hình ảnh trong SGK mới nên được chọn lọc, không nên lạm dụng làm cho học sinh mất tập trung.
Đối với môn Tiếng Việt, theo cô Nhàn, ở chương trình cũ, học sinh học 6 tuần mới hết phần chữ cái, nhưng ở chương trình mới học trong 4 tuần đã hết. Tức là tăng lượng kiến thức trong mỗi bài học và gần như quá sức với năng lực đại trà của học sinh. Trong chương trình cũ là 10 tiết/tuần, chương trình mới là 12 tiết/tuần, áp lực đối với học sinh tăng lên.
Hơn nữa, trong chương trình cũ mỗi bài chỉ có 2 vần, nhưng chương trình mới một bài lên đến 4 vần, lượng kiến thức gấp đôi. Theo cô Nhàn, nếu như lượng kiến thức tăng lên, thời gian giãn ra thì thuận lợi hơn cho cả giáo viên và học sinh.
“Sách cũ phần vần kết thúc ở tuần 21, nhưng sách mới kết thúc ở tuần 16, chênh nhau đến 5 tuần học. Nó cũng không phù hợp với năng lực đại trà của học sinh, gây khó khăn cho cả giáo viên và học sinh. Nếu như không có sự phối kết hợp với gia đình thì việc sau mỗi bài học các học sinh nắm được kiến thức trọng tâm, mục tiêu của bài học là khó”, cô Nhàn chia sẻ.
Theo cô Nhàn, nếu như học sinh không được chuẩn bị tốt trong hè khi chuẩn bị ra lớp 1 thì rất khó. Có những em chưa thuộc bảng chữ cái, chưa tập viết, chưa chuẩn bị tâm thế thì cả cô và trò đều rất vất vả. Không những vậy, trên địa bàn thành phố, thường sĩ số học sinh/lớp rất đông, có lớp 45-48 học sinh/lớp, gây áp lực cho giáo viên đứng lớp.
Cô Nhàn cho rằng, việc tiếp nhận kiến thức với học sinh tùy thuộc vào đối tượng. Đối với những lớp có sự phối kết hợp nhịp nhàng giữa cô giáo và phụ huynh trong việc học trên lớp và ôn bài ở nhà thì phần đa các em nắm được bài. Nhưng có những học sinh chỉ học trên lớp, về nhà không ôn tập và không được phụ huynh hướng dẫn thêm thì học sinh dễ bị “trôi” bài nhanh hơn…
Duy Tuyên